Sunday, June 6, 2021

Tạp chí khoa học danh tiếng công bố nhiều ý kiến phản biện nghiên cứu điều trị tự kỷ của Vinmec

Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu

Cách đây đúng 1 năm, tháng 5/2020, mình có viết một bài "Một vài ghi chép về nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tủy xương trên trẻ em tự kỷ ở Việt Nam" nhằm cảnh báo về chất lượng khoa học của công trình can thiệp tự kỷ bằng tế bào gốc (TBG) do GS Nguyễn Thanh Liêm và cộng sự tiến hành tại bịnh viện Vinmec (Hà Nội, Việt Nam). Bài viết đã chỉ ra, công trình của GS Liêm có rất nhiều chỗ gây nghi ngờ, từ thiết kế nghiên cứu, tới kĩ thuật tiến hành, cách phân tích dữ liệu, cũng như hiệu quả mang lại cho trẻ tự kỷ. Một trong những điều có thể nói là "kinh dị" là bài báo đầu tiên trong serie các bài báo về dùng TBG cho trẻ tự kỷ của GS Liêm lại được đăng trên một tạp chí kém chất lượng (predatory journal). 

Tháng 9/2020, trên website của BV Vinmec cho đăng một tin khác: một bài báo khác cùng đề tài (dùng nhưng có nhiều sự thay đổi về thiết kế nghiên cứu: vẫn dùng tế bào đơn nhân tủy xương để tiêm vào tủy sống của trẻ tự kỷ kèm can thiệp bằng ESDM), được nhóm của GS Liêm công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng STEM CELLS Translational Medicine (SCTM thuộc nhà xuất bản Wiley, Hoa Kỳ).

Như vậy, nếu bài báo năm 2018 được cho đăng trên một tạp chí rất kém (không có IF), thì bài báo năm 2020 lại có một số phận khác hẳn: được đăng trên một tạp chí hàng đầu, với IF = 6.429. Do đó, chúng ta chỉ thấy vài dòng giới thiệu sơ sài cho bài báo năm 2018 trên website của Vinmec, nhưng lại có thể đọc được thông cáo báo chí hoành tráng cho bài báo năm 2020, được cậy đăng ở khắp các tờ báo lớn trong nước. Tuy vậy, bài báo năm 2020 nhận được một vài ý kiến thông qua hình thức "Thư gửi ban biên tập" của một số nhà lâm sàng và nghiên cứu. 

Phản ứng của một số nhà khoa học trên thế giới với bài báo năm 2020

Trong thông cáo báo chí của mình, Vinmec trích những lời có cánh của tổng biên tập "tạp chí khoa học danh tiếng" SCTM, GS. TS. BS Anthony Atala (trong trường hợp bạn không có giờ tìm hiểu, GS Atala là bác sĩ hàng đầu về phẫu thuật đường tiết niệu, một chuyên khoa sâu rất gần gũi với can thiệp tự kỷ), ca ngợi công trình của GS Liêm. Xin trích lại:

“Phát hiện trong nghiên cứu lâm sàng của Vinmec cho thấy điều trị bằng tế bào gốc an toàn và giúp cải thiện chứng rối loạn phổ tự kỷ nặng ở trẻ em. Đây là những phát hiện đầy hứa hẹn và mở ra cơ hội cho sự phát triển của phương pháp tiếp cận y học tái tạo có thể giúp những trẻ em mắc căn bệnh này”. [Vinmec dịch, nguồn]

Dĩ nhiên, chuyện tổng biên tập của SCTM khen bài báo đăng trên tạp chí của ổng cũng là bình thường thôi, nhưng khi coi trong thông cáo báo chí gốc của SCTM, ta có thể thấy nguyên văn là:

"The clinical finding showing that the cell therapy treatment safely reduced severe autism spectrum disorder characterizations in children is encouraging," và "The findings are promising and open the opportunity for the development of a translational medicine approach that could help affected children." [Văn bản gốc, nguồn]

Có thể thấy người viết thông cáo báo chí cho Vinmec cũng không hiểu gì lắm về tự kỷ, khi chọn dùng chữ "căn bệnh" (trong khi BS Atala dùng chữ "rối loạn"). Nhưng có một điều quan trọng hơn: trong thông cáo báo chí của mình cũng như trong bài báo gốc năm 2020, nhóm nghiên cứu của Vinmec liên tục dùng chữ "tế bào gốc" để quảng bá cho liệu pháp của mình. Nhưng rõ ràng, tổng biên tập Atala gọi cái mà GS Liêm đang làm chỉ là "liệu pháp tế bào" (cell therapy) chứ không phải tế bào gốc (stem cell). 

Đối với các phụ huynh hoặc các chuyên gia ngoài ngành, dùng chữ nào (tế bào vs tế bào gốc) cũng có sao đâu, chẳng gây được sự chú ý. Nhưng với các nhà khoa học cũng như các nhà lâm sàng nghiêm túc, họ lập tức nhận ra, ở đây có sự nhập nhằng. 

Một bác sĩ nhi khoa, đồng thời cũng là giảng viên trường y khoa thuộc đại học Massachusetts (Hoa Kỳ), bác sĩ Heather Finlay-Morreale, đã viết một lá thư gửi tòa soạn SCTM, cô phân tích về những vấn đề nghiêm trọng trong bài báo của BS Liêm và cộng sự [1]. Cô nêu ra các vấn đề:

  1. Nhóm nghiên cứu của Vinmec không hề dùng tế bào gốc, mà dùng tế bào đơn nhân tủy xương (the authors did not inject stem cells—they injected mononuclear bone marrow cells).
  2. Sự tiến bộ của trẻ, nhất là trong bối cảnh trẻ được can thiệp thêm bằng ESDM và bản thân trẻ cũng trưởng thành hơn, có thực là do trị liệu tế bào hay không? (Perhaps the children just improved as they matured and because of the behavioral interventions.)
  3. Thiết kế nghiên cứu có vấn đề: không có nhóm chứng. 

Để tổng kết, bác sĩ Heather Finlay-Morreale đề nghị phải rút bài báo này ngay lập tức (I urge you to retract this paper immediately), vì những thông tin sai lạc cũng như tính chất bạo hành trẻ em của cách nghiên cứu.

BS Liêm và cộng sự đã viết một bài phúc đáp ngay sau đó [2]. Trong bài trả lời của mình, GS Liêm công nhận ông dùng tế bào đơn nhân tủy xương (mononuclear bone marrow cells), nhưng GS Liêm cho hay, trong mẫu vật mà ông hút ra từ tủy xương cánh chậu của trẻ, vẫn có một số tế bào gốc (nguyên văn: mononuclear cells from bone marrow containing hematopoietic stem cells and progenitor cells.). GS Liêm cho rằng, dù ông không chiếc tách/nuôi cấy tế bào gốc từ mẫu tủy mà ông hút ra, thì việc chích hết lượng tủy đó vô ống sống cũng có nghĩa là dùng tế bào gốc rồi.

Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đây, một bài viết sau đó của GS Karen Ballen và GS Joanne Kurtzberg [3] đã cho thấy quan điểm trái chiều từ chính các thành viên trong ban biên tập tạp chí SCTM: không đồng ý trị liệu mà GS Liêm tiến hành trong bài báo năm 2020 là can thiệp bằng TBG. Xin trích nguyên văn:

"Dr. Finlay-Morreale makes some valid points in her letter, particularly that Thanh and colleagues did not treat the children in their series with stem cells. Bone marrow-derived mononuclear cells were used."

Như đã nói ở trên, tổng biên tập Atala cũng đã dùng chữ "cell therapy" trong thông cáo báo chí và ở bài báo tiếp theo này [3], giáo sư Joanne Kurtzberg lại viết rất rõ ràng lần nữa: đây là trị liệu bằng tế bào đơn nhân tủy xương, không thể gọi là trị liệu bằng TBG. GS Joanne Kurtzberg cũng chính là biên tập chuyên về mảng tế bào gốc cuống rốn (cord blood section editor) của tạp chí SCTM và là người lãnh đạo nghiên cứu IMPACT mà GS Liêm rất kì vọng sẽ là nghiên cứu thay đổi quan điểm của y giới về tế bào gốc trong can thiệp tự kỷ. Đặc biệt, trong bài báo này, các tác giả còn phê phán nhóm của GS Liêm là đưa thông tin sai (misleading).

"The authors inaccurately described the therapy as “transplantation,” which was misleading."

Chuyện gì xảy ra ở đây? Bài báo năm 2020 của GS Liêm mô tả họ đang "ghép" (transplantation) tế bào gốc. Điều này là không đúng. Lấy ví dụ với một nhóm bệnh lý cũng dùng tế bào tủy xương như ung thư máu, đầu tiên cũng phải dùng hóa trị mạnh, đánh sập toàn bộ hệ tạo máu, rồi mới truyền tế bào gốc tủy xương mới vô. Vậy với tự kỷ thì sao? Có ai biết cơ quan/nhóm tế bào nào gây ra tự kỷ đâu; mà gọi là ghép? 

Nhưng nếu để ý, các bạn sẽ thấy GS Liêm luôn gọi liệu pháp của mình là "ghép tế bào gốc", một cụm từ có 2 lần sai. Misleading là một từ rất nặng trong nghiên cứu khoa học. Không gì hài hước bằng anh đang cố gắng đóng góp cho sự minh bạch và tiến bộ của khoa học, nhưng lại cố tình đưa thông tin sai để lái người đọc theo ý của anh.

Như vậy, đến đây, có thể nói, năm 2020, tạp chí SCTM có cho đăng một bài báo của GS Liêm, nhưng bài báo này bị chính các chuyên gia của tạp chí SCTM phê phán là đưa thông tin sai (misleading). Chuyên gia độc lập khác thì chỉ ra vô số vấn đề từ thiết kế nghiên cứu tới phân tích và diễn dịch kết quả. Thậm chí, họ còn nặng lời: đây là một nghiên cứu mang tính "bạo hành và thiên vị" (abuse and ableist). 

Whatever will be, will be - Điều gì đến, sẽ đến



Trong một status trên facebook ngày 13/5/2021, GS Liêm viết về sự cô đơn khi đứng trên đỉnh cao của nền y học thế giới, khi ngay cả các đồng nghiệp Mỹ cũng không hiểu được tầm vóc của tế bào gốc trong can thiệp tự kỷ. GS Liêm có dẫn link một nghiên cứu của đại học Duke để chứng minh một thời đại mới đang đến. Sự thật là gì? Nghiên cứu của đại học Duke về ứng dụng tế bào gốc trong can thiệp tự kỷ (nghiên cứu lớn nhất, bài bản nhất, được thực hiện bởi đội ngũ uy tín hàng đầu) đã thất bại. Các bạn có thể đọc bài phỏng vấn của chính các tác giả của nghiên cứu này trên Spectrum News tại đây để thấy tinh thần làm khoa học của các chuyên gia Mỹ: không massage dữ liệu, có sao nói vậy, thất bại thì thẳng thắn nói tụi tôi đã thất bại.

Tới đây, mình có thể mạnh dạn trả lời câu hỏi trong status của GS Liêm: "Một câu hỏi chung nhất được nêu lên là tại sao một phương pháp tiên tiến như vậy mà lại không được áp dụng ở Mỹ?". Thưa giáo sư, vì dân Mỹ vẫn còn những người dám nói thật và làm thật. Chúng em không nói đó là tế bào gốc khi sự thật nó là tế bào đơn nhân tủy xương; chúng em cũng không nói đó là "ghép" khi thực ra chúng em không ghép. 

Bởi như chính tiêu đề status của giáo sư, được lấy cảm hứng từ bản nhạc Que sera sera: một năm sau khi bài báo của GS được đăng trên SCTM, chính biên tập của tạp chí cũng chỉ ra rằng giáo sư đã dùng bài báo khoa học để đưa thông tin sai (misleading) và niềm hi vọng vào một thời đại mới, nghiên cứu IMPACT của đại học Duke, đã thất bại.

Điều gì cần tới, sẽ tới.

Bổ sung:

GS Liêm đã có phản hồi với mình trên group fb "Liêm chính khoa học" về một số ý trong bài viết này như sau (một số vấn đề đã được mình chỉnh sửa theo ý kiến tiếp thu):
1. Mình lựa chọn sai ví dụ về ghép tạng: ghép thận không cần thiết phải cắt thận.

2. Mình nên sửa đoạn viết về 2 bài báo 2018 và 2020, để làm rõ ý rằng đây là 2 nghiên cứu khác nhau.

3. GS Liêm không đồng ý với việc GS Joanne Kurtzberg dán nhãn việc dùng từ transplantation trong bài báo 2020 là misleading và sẽ có tranh luận thêm.

---

[1] https://doi.org/10.1002/sctm.20-0434

[2] https://doi.org/10.1002/sctm.20-0452

[3] https://doi.org/10.1002/sctm.20-0548




6 comments:

  1. Cám ơn Harry Le đã tổng hợp, có những dẫn chứng và lập luận rõ ràng.

    ReplyDelete
  2. Chào bạn, việc mập mờ là tại Vn nhỉ chứ title và abstract nói rõ nguồn tế bào mà. Dĩ nhiễn trong mononuclear bone marrow vẫn có một tỉ lệ stem cell nhất định. Mấy nghiên cứu case study như này cũng hay gặp tranh cãi vì đến bao giờ làm trên lượng mẫu lớn mới có kết luận cụ thể được.

    ReplyDelete
  3. Tác giả, Harry Le đưa đến một góc nhìn đa chiều hơn. Tuy nhiên, chính anh cũng vô tình hay cố ý đánh lạc hướng người đọc khi giải thích thuật ngữ ghép "là lấy tạng bệnh đi rồi mới ghép cơ quan mới vào" bằng một ví dụ cụ thể là trái thận. Tuy vậy, tùy cơ quan ghép thôi, nhưng với thận thì không cần lấy bỏ thận cũ anh nhé. Điều đó cho thấy, có sự hạn hẹp trong quan niệm của anh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn anh Khánh đã chỉ ra chỗ sai sót. Đúng là trong khi vội tìm ví dụ cho dễ hiểu, mình đã chọn sai.

      Delete
  4. Năm 2018 một tượng đài của ngành tim mạch Hoa Kỳ Piero Anversa bị ĐH Harvard yêu cầu thu hồi lại 31 bài báo liên quan đến các nghiên cưu về Tế Bào Gốc giúp tái tạo cơ tim gây chấn động giới Y Khoa sau khi phát hiện đây thực chất chỉ là một cuộc lừa đảo học thuật không hơn không kém. Tế Bào Gốc có thực sự "Toàn năng" như những gì người ta kỳ vọng về nó hay không?

    ReplyDelete